Lượt xem: 1280
Thực hiện nghiêm việc kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn
STO - Việc kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được coi là một trong những biện pháp ngăn chặn sự dịch chuyển bất hợp pháp, tẩu tán tài sản, góp phần phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả. Để hiểu rõ hơn về các quy định liên quan đến công tác này, phóng viên (PV) Báo Sóc Trăng đã có buổi trao đổi với đồng chí Lâm Hoàng Thanh - Phó Chánh Thanh tra tỉnh.  

PV: Xin đồng chí vui lòng cho biết, những quy định mới nhất về việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn?

Đồng chí Lâm Hoàng Thanh: Chính phủ ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, ngày 30-10-2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nghị định có hiệu lực thi hành ngày 20-12-2020. Đây là nghị định mới thay thế Nghị định số 78/2013/NĐ-CP, ngày 17-7-2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập.

Theo nghị định, những người có nghĩa vụ kê khai theo quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều 34 của Luật Phòng, chống tham nhũng và các ngạch công chức, chức danh bao gồm: chấp hành viên, điều tra viên, kế toán viên, kiểm lâm viên, kiểm sát viên, kiểm soát viên ngân hàng, kiểm soát viên thị trường, kiểm toán viên, kiểm tra viên của Đảng, kiểm tra viên hải quan, kiểm tra viên thuế, thanh tra viên, thẩm phán; những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III được ban hành kèm theo nghị định này; người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

PV: Xin đồng chí trình bày cụ thể hơn nội dung về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập và xử lý vi phạm quy định về kê khai tài sản, thu nhập tại cơ quan, tổ chức, đơn vị theo nghị định?

Đồng chí Lâm Hoàng Thanh: Tại Điều 11 của nghị định quy định rõ việc công khai bản kê khai đối với từng nhóm đối tượng kê khai theo quy định. Theo đó, việc công khai bản kê khai đối với những người thuộc phạm vi kiểm soát của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 30 Luật Phòng, chống tham nhũng được thực hiện bằng hình thức niêm yết hoặc công khai tại cuộc họp; đối với bản kê khai của những người thuộc phạm vi kiểm soát của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập quy định tại các Khoản 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 30 Luật Phòng, chống tham nhũng thì thực hiện bằng hình thức công khai tại cuộc họp.

Điều 12 Nghị định số 130 đã nêu cụ thể, bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được công khai bao gồm bản kê khai lần đầu, bản kê khai phục vụ việc bổ nhiệm và bản kê khai hàng năm hoặc bản kê khai bổ sung liền trước đó. Việc công khai được thực hiện bằng hình thức công bố tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm. Trước khi lấy phiếu tín nhiệm người chủ trì cuộc họp thực hiện việc công khai bản kê khai như: phát cho những người bỏ phiếu tín nhiệm bản sao của các bản kê khai; đọc hoặc phân công người đọc bản kê khai phục vụ bổ nhiệm và kết luận xác minh tài sản, thu nhập (nếu có). Việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập phải được ghi vào biên bản cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm. Bên cạnh đó, nghị định cũng quy định đối với bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm, bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước được công bố tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành bổ nhiệm hoặc tại cuộc họp để bầu các chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Nghị định số 130 cũng quy định rõ, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng. Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập mà tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 2 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.

Tại Điều 21 của nghị định còn nêu rõ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thiếu trách nhiệm trong tổ chức việc kê khai, công khai bản kê khai, nộp bản kê khai thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức. Người đứng đầu cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, tổ trưởng và thành viên tổ xác minh tài sản, thu nhập có hành vi vi phạm trong việc tiếp nhận bản kê khai, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập, tiến hành xác minh, kết luận xác minh, công khai kết quả xác minh thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ, không kịp thời yêu cầu của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

PV: Để kiểm soát chặt chẽ việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, tỉnh ta sẽ triển khai thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Lâm Hoàng Thanh: Ngày 8-3-2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND để triển khai thực hiện việc kê khai và công khai bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định. Khi đó, việc kê khai, thu nhập lần đầu phải hoàn thành trước ngày 31-3-2021; các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xây dựng kế hoạch, lập danh sách người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập lần đầu theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 34 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; hướng dẫn việc kê khai, giao nhận bản kê khai đối với người có nghĩa vụ kê khai; rà soát, kiểm tra bản kê khai và bàn giao bản kê khai cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thẩm quyền trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được bản kê khai (bàn giao cho Thanh tra Chính phủ bản kê khai của người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên và bàn giao cho Thanh tra tỉnh các bản kê khai còn lại của người có nghĩa vụ kê khai thuộc quyền quản lý của mình (theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 37 và Khoản 3 Điều 38 của Luật Phòng, chống tham nhũng). Các cơ quan, đơn vị, địa phương gửi kết quả triển khai thực hiện việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập về Thanh tra tỉnh trước ngày 15-4-2021. UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm công tác này; tổng hợp, dự thảo báo cáo kết quả triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, trình UBND tỉnh đảm bảo thời gian theo quy định.

Để bảo đảm việc thực hiện hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra, Thanh tra tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác phổ biến, quán triệt, hướng dẫn các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Thanh tra tỉnh với các sở, ngành, địa phương và cơ quan liên quan trong việc tổ chức thực hiện. Đặc biệt, vào ngày 12-3-2021, Thanh tra tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh phổ biến, quán triệt quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập với số lượng 1.500 đại biểu tham dự, tại 121 điểm cầu; qua đó kịp thời hướng dẫn cụ thể, rõ ràng và giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhằm thi hành có hiệu quả về công tác kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập trên địa bàn tỉnh.

PV: Xin chân thành cảm ơn đồng chí!


Báo Sóc Trăng
Thông báo mới












Thống kê truy cập
  • Đang online: 80
  • Hôm nay: 133
  • Trong tuần: 671
  • Tất cả: 638048
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả